EN VI

PHONG CÁCH ĐÔNG DƯƠNG

Sự giao thoa bản sắc

Dù đã trải qua hơn 100 năm nhưng những công trình kiến trúc mà người Pháp để lại vẫn bền vững và mang vẻ đẹp của riêng mình. Vẻ đẹp đó là sự kết hợp vừa tinh tế, vừa nổi bật giữa niềm hoài cổ của truyền thống Á Đông và sự lãng mạn, hiện đại của kiến trúc Pháp – Phong cách Đông Dương.

Phong cách Đông Dương hay còn gọi là Indochine style là sự hòa trộn giữa nét hoài cổ xưa cũ của truyền thống Á Đông và nét đẹp lãng mạn của nước Pháp, sự hợp nhất tinh tế giữa hai nền văn hóa Đông Tây khác biệt được người Pháp sáng tạo vào thế kỷ 20.

Lịch sử hình thành Phong cách Đông Dương – Indochine Style

Trong tiếng Pháp, Indochine là từ dùng để chỉ các nước thuộc bán đảo Đông Dương (hay còn gọi là bán đảo Trung-Ấn) bao gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 khi người Pháp tiến hành thuộc địa các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam, người Pháp đã mang lối kiến trúc nội thất hiện đại Châu Âu cách tân của Pháp sang Việt Nam. Sau một thời gian thì phong cách này bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều,… cũng như tập quán sinh hoạt, truyền thống thẩm mỹ và cảnh quan. Phong cách thiết kế nội thất ở Việt Nam khi đó chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc, còn Lào và Campuchia lại chịu sự ảnh hưởng của Ấn Độ. Để phù hợp, người Pháp đã nhiệt đới hóa theo bản sắc bản địa lối thiết kế kiến trúc du nhập từ phương Tây sao cho phù hợp hơn với khí hậu và kiến trúc thông thường của các nước Đông Dương. Chính điều đó đã tạo nên một phong cách Đông Dương mang tính thẩm mỹ cao, một sự kết hợp hoàn hảo hai nên văn hóa phương Đông và phương Tây, thể hiện được tinh hoa văn hóa hai khu vực thế giới cùng với bản sắc và bề dày lịch sử. Hai phong cách vừa tương phản đối lập tạo nên sự thu hút nhưng cũng vừa bổ trợ để tôn lên vẻ đẹp của nhau, đây chính là một trong những phong cách nội thất hiện đại sang trọng ấn tượng nhất của Pháp.

Qua dòng chảy của thời gian, phong cách thiết kế nội thất Đông Dương – Indochine Style ngày càng khẳng định được nét đẹp quyến rũ, bền bỉ và trường tồn. Đặc biệt là so với các phong cách hiện đại ngày nay.

Đặc trưng của phong cách nội thất Đông Dương

Màu sắc chủ đạo trong phong cách nội thất Indochine

Khác với phong cách trang trí hiện đại thường nghiêng về những gam màu tươi sáng như hồng, đỏ, xanh, thì phong cách Indochine là sử dụng gam màu trung tính như vàng, nâu, trắng… tạo cảm giác mát mẻ và thoáng đãng phù hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm của Việt Nam. Bên cạnh đó không gian nội thất có sự kết hợp màu sắc tự nhiên của gỗ và mây tre đan. Tùy theo cá tính của gia chủ, một số không gian cũng sử dụng màu sắc tạo ấn tượng mạnh. Ví dụ như đỏ, vàng đậm, vàng cam, tím hay xanh lá cây dịu mát.

Cũng có khi, kiến trúc này tôn trọng những thiết kế nguyên bản của các đồ vật trang trí nội thất và vật liệu xây nhà. Ví dụ như tường gạch nung màu đỏ được giữ nguyên trong phòng thờ, làm tăng tính trang nghiêm. Hay các cột nhà, xà nhà cũng được giữ nguyên không hề có sự biến tấu một chút nào.

Sử dụng chất liệu thuần phương Đông

Vật liệu là dấu ấn đặc biệt làm nên phong cách Indochine, bên cạnh yếu tố màu sắc thì chất liệu sử dụng cũng ảnh hưởng rất lớn đến tính hoàn mỹ của tổng thể. Nếu phong cách thiết kế Industrial (công nghiệp) nổi bật với những chất liệu mạnh mẽ, cá tính như thép, kim loại mạ sơn đen… thì phong cách Indochine lại đem đến một không gian gần gũi với những chất liệu đến từ thiên nhiên và thuần chất phương Đông. Trong phong cách Indochine, tất cả những đồ nội thất đều được làm từ gỗ và tre nứa. Đặc biệt ở Việt Nam thì kiến trúc nội thất này lấy gỗ làm chủ đạo để trang trí làm nổi bật căn phòng khách trong gia đình bạn. Bên cạnh đó, những kiến trúc cột chống đầm hoặc từ gạch nung là một trong những nét đặc sắc của phong cách thiết kế này.

Với việc sử dụng chất liệu đến từ gỗ tự nhiên, các bạn cần phải chú ý phải đồng bộ thiết kế cho toàn bộ ngôi nhà của mình. Tránh trường hợp cọc cạch gây ra sự bất đồng trong trang trí nội thất. Người Pháp đã tận dụng những nét đặc sắc của kiến trúc Phương Bắc. Cùng với đó những kiến trúc sư người Pháp đã biến tấu phong cách thiết kế này một cách hài hòa và độc đáo.

Họa tiết

Nếu các phong cách cổ điển Châu Âu đề cao những thiết kế hình mái vòm thì phong cách thiết kế Đông Dương lại sử dụng những họa tiết hình chữ nhật hay tĩnh vật đơn giản. Với phong cách này, các nhà thiết kế thường tôn trọng sự tối giản, không rườm rà trọng tiểu tiết. Những thiết kế nội thất được lồng ghép giữa hình chữ nhật, hình tam giác, hình thoi hoặc các đường cong, đường tròn được ưa chuộng sử dụng.

Các vật dụng này thường được sử dụng để trang trí phong khách hay đặt trên những bức tường trống để làm điểm nhấn cho phòng khách nhà bạn. Không những vậy, các thiết kế này thường nhận được sự yêu thích đối với các tín đồ của sự đơn giản.

Đồ trang trí

Những tượng Phật, phù điêu, bình phong hoặc các đồ chạm khắc thủ công như bàn ghế hay tủ kệ là những đồ trang trí không thể thiếu trong các căn nhà theo phong cách nội thất Đông Dương. Đồ trang trí thuộc phong cách này được chạm khắc tỷ mỉ, cận thận nhưng không điêu khách quá kỳ công hay chú trọng đến các họa tiết rườm rà.

Mặt khác, đối với các thiết kế phong cách Đông Dương, bạn cũng có thể sử dụng thêm những bức tranh chữ trang trí phòng khách hay vị trí trống trong nhà để tạo ấn tượng cho khách đến chơi nhà.

Như vậy, qua bài viết này các bạn đã biết phong cách nội thất Đông Dương là gì. Đây là một trong những phong cách trang trí nội thất phổ biến và được ưa chuộng hiện nay. Trong các căn nhà thuộc các nước Đông Dương không hiếm khi thấy sử dụng phong cách trang trí này. Sử dụng xu hướng trang trí này sẽ mang đến cho căn nhà bạn một không gian ấm cúng, yên bình sau một thời gian làm việc mệt mỏi.